Những tranh cãi Điều_9_Hiến_pháp_Nhật_Bản

Một cuộc tuần hành ủng hộ giữ nguyên Điều 9, phía trước Ga Tabata, Tokyo (2012).

Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản không chỉ cấm sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế mà nó còn cấm Nhật Bản duy trì các lực lượng lục quân, hải quânkhông quân. Do đó, theo ngôn ngữ pháp lý, Lực lượng Phòng vệ không phải là lực lượng lục, hải hay không quân, mà chỉ là các bộ phận mở rộng của lực lượng cảnh sát. Điều này có tác động lớn đến các chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng. Theo chính phủ Nhật Bản, "'tiềm lực chiến tranh' trong mục hai có nghĩa là lực lượng vượt trên ngưỡng tối thiểu cần thiết cho tự vệ. Bất kỳ thứ gì từ ngưỡng đó trở xuống đều không được xem là tiềm lực chiến tranh."[17] Có vẻ khi Lực lượng Phòng vệ được thành lập, "vì khả năng của Lực lượng là không đủ để thực hiện một cuộc chiến tranh hiện đại, nó không được xem là có tiềm lực chiến tranh"".[18] Dường như chính phủ Nhật Bản đã cố tìm ra lỗ hổng trong từ ngữ của điều khoản hòa bình và "tính hợp hiến của quân đội Nhật Bản đã bị thách thức nhiều lần".[19] Một bộ phận người Nhật tin rằng Nhật Bản nên theo chủ nghĩa hòa bình thực sự và cho rằng Lực lượng Phòng vệ là vi hiến. Tuy vậy Tòa án Tối cao ra phán quyết rằng việc duy trì một lực lượng để tự vệ là quyền lợi chính đáng của quốc gia. Các học giả cũng cho rằng "sự thay đổi hiến pháp... xảy ra khi một điều khoản hiến pháp bị mất hiệu lực và được thay thế bằng một ý nghĩa hoàn toàn mới".[20]

Đảng Dân chủ Tự do ủng hộ thay đổi văn cảnh của Điều 9 từ năm 1955, khi họ diễn dịch Điều 9 tuyên bố từ bỏ quyền sử dụng chiến tranh trong các tranh chấp quốc tế nhưng không từ bỏ việc sử dụng lực lượng nội địa để duy trì luật pháp và trật tự. Tuy vậy, đồng minh lâu năm của Đảng này, Đảng Công Minh, từ lâu lại phản đổi việc thay đổi văn cảnh của Điều 9. Hơn nữa, Đảng Dân chủ Tự do chưa bao giờ có quyền đa số áp đảo (hai phần ba ở cả hai viện) trong Quốc hội để thay đổi Hiến pháp, dù họ có quyền này khi liên minh với Đảng Công Minh từ năm 2005 đến 2009 và từ năm 2012 đến nay.

Đảng đối lập, Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản, có xu hướng tán thành sự diễn dịch của Đảng Dân chủ Tự do. Hai đảng này đồng thời ủng hộ việc sửa đổi Điều 9 bằng cách thêm vào một điều khoản công khai cho phép việc sử dụng quân đội cho mục đích tự vệ chống lại sự tấn công từ bên ngoài vào nước Nhật. Đảng Xã hội chủ nghĩa Nhật Bản, ngược lại, xem Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản là vi hiến và đòi hỏi thực thi đầy đủ Điều 9 bằng việc phi quân sự hoàn toàn Nhật Bản. Khi đảng này tham gia vào liên minh với Đảng Dân chủ Tự do để thành lập chính phủ, họ thay đổi quan điểm và công nhận Lực lượng Phòng vệ là hợp hiến. Đảng Cộng sản Nhật Bản xem Lực lượng Phòng thủ là vi hiến và kêu gọi tái cấu trúc chính sách quốc phòng Nhật Bản để hình thành lực lượng dân quân vũ trang.

Cờ xí trong một cuộc diễu hành ủng hộ Điều 9 cùng lực lượng cảnh sát bảo vệ, gần Ginza. (2014)

Điều 9 được diễn dịch là xác định Nhật Bản không được sở hữu vũ khí quân sự tấn công; đồng nghĩa với việc Nhật Bản không được sở hữu tên lửa xuyên lục địa, vũ khí hạt nhân, hàng không mẫu hạm hay máy bay ném bom. Nó không cấm việc sở hữu tàu ngầm, tàu chiến có trang bị vũ khí chống tên lửa đạn đạo, tàu chở trực thăng, và máy bay chiến đấu, được xem là mang tiềm lực phòng vệ lớn hơn.

Từ cuối những năm 1990, Điều 9 trở thành tâm điểm tranh cãi về việc Nhật Bản có được phép tham gia vào các chiến dịch quân sự đa quốc gia ở nước ngoài hay không. Trong cuối thập niên 1980, chi tiêu của chính phủ cho Lực lượng Phòng vệ là khoảng hơn 5% mỗi năm. Đến năm 1990 Nhật Bản được xếp thứ ba về chi tiêu quốc phòng, chỉ sau Liên XôHoa Kỳ, và Hoa Kỳ còn khuyến khích Nhật Bản chia sẻ nhiều trách nhiệm hơn trong việc phòng thủ phía tây Thái Bình Dương (Nhật Bản có hướng dẫn giới hạn 1% GDP cho chi tiêu quốc phòng; tuy nhiên, Nhật Bản định nghĩa một số hoạt động là phi quốc phòng). Với thực tế như vậy, một số người xem Điều 9 ngày càng mất hiệu lực. Tuy vậy, nó vẫn là một vật cản quan trọng trong sự phát triển khả năng quân sự của Nhật Bản. Tuy ký ức cay đắng về chiến tranh dần phai nhạt, theo các cuộc điều tra công cộng, công chúng Nhật vẫn tỏ ra ủng hộ điều khoản hiến pháp này.

Các quan điểm khác nhau về Điều 9 có thể được phân làm bốn loại:

  • Người theo chủ nghĩa hòa bình tin tưởng vào việc duy trì Điều 9 và cho rằng Lực lượng Phòng vệ là vi hiến, và muốn tách Nhật Bản ra khỏi các cuộc chiến trên thế giới.
  • Người theo trường phái trọng thương có ý kiến khác nhau về Điều 9 dù việc diễn dịch được mở rộng để bao hàm cả Lực lượng Phòng vệ, tin rằng vai trò của Lực lượng Phòng vệ chỉ nên đóng khung ở các hoạt động liên quan đến Liên Hợp Quốc và không chiến đấu. Họ ủng hộ chi tiêu quốc phòng ở mức tối thiểu, và nhấn mạnh phát triển kinh tế.
  • Người theo trường phái thông thường thì "kêu gọi gia tăng vũ trang cho lực lượng quốc phòng và chấp nhận sử dụng quân đội để duy trì hòa bình và an ninh thế giới". Họ ủng hộ thay đổi Điều 9 để đưa điều khoản giải thích sự tồn tại và chức năng của Lực lượng Phòng vệ.
  • Người theo chủ nghĩa quốc gia cho rằng Nhật Bản nên tái vũ trang và xây dựng khả năng hạt nhân để lấy lại niềm tự hào và độc lập quốc gia. Họ cũng ủng hộ thay đổi Điều 9 để ủng hộ vũ trang quân đội.

Rõ ràng các ý kiến thay đổi từ cực đoan của chủ nghĩa hòa bình sang cực đoan của chủ nghĩa dân tộc và tái quân sự hóa hoàn toàn.[21] Đa số người dân Nhật Bản tán thành tinh thần của Điều 9 và xem nó quan trọng đối với bản thân.[22][23] Nhưng kể từ những năm 1990, đã có sự dịch chuyển từ quan điểm giữ nguyên điều này sang cho phép thay đổi nó để giải quyết sự thiếu nhất quán giữa Lực lượng Phòng vệ và Điều 9.[24][25] Hơn thế nữa, một bộ phận người Nhật cho rằng Nhật Bản nên cho phép Lực lượng Phòng vệ tham gia vào các nỗ lực phòng thủ tập thể, tương tự như các quyết định của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong Chiến tranh Vùng Vịnh.[26] Khả năng "tham gia phòng thủ tập thể" của Nhật Bản vẫn đang còn được tranh cãi.[27] Sự tham gia của Nhật Bản vào Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1990, hay chính xác hơn là sự thiếu tham gia của họ, đã khơi dậy nhiều chỉ trích. Mặc dù Hoa Kỳ gây áp lực lên Nhật Bản để hỗ trợ họ tại Iraq, Nhật Bản giới hạn vai trò của mình ở mức đóng góp tài chính vì phong trào phản đối điều quân từ trong nước.[28] Do sự không hài lòng ra mặt của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Vùng Vịnh mà Nhật Bản đã hành động nhanh chóng sau Vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001. Rõ ràng là "cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 đã dẫn tới việc Mỹ đòi hỏi Nhật Bản phải hợp tác nhiều hơn nữa về mặt quốc phòng".[29] Ngày 29 tháng 10 năm 2001, Luật Biện pháp Đặc biệt Chống khủng bố được thông qua đã "định nghĩa rộng hơn vai trò tự vệ của Nhật Bản".[30] Luật này cho phép Nhật Bản hỗ trợ quân đội Hoa Kỳ trên lãnh thổ nước ngoài. Luật này cũng khiến cho "các nhóm dân sự nộp nhiều đơn kiện chính phủ Nhật để ngăn việc điều quân Phòng vệ đến Iraq và tuyên bố việc điều quân như vậy là vi hiến",[31] mặc dù quân gửi đến Iraq không phải là quân chiến đấu và chỉ là hỗ trợ nhân đạo. Nhật Bản cũng chủ động xây dựng mối quan hệ Mỹ-Nhật chính vì Điều 9 và việc Nhật không có khả năng tham gia chiến tranh tấn công. Nhiều người cũng tranh luận rằng, "khi [Thủ tướng Koizumi] tuyên bố ủng hộ Chiến tranh do Mỹ dẫn đầu chống lại Iraq vào tháng 3 năm 2003, và khi ông gửi quân Nhật để hỗ trợ việc chiếm đóng vào tháng 1 năm 2004, Iraq thực ra không phải là cái đích mà Nhật Bản đang nhắm đến, mà chính là Bắc Triều Tiên".[32] Mối quan hệ thiếu ổn định của Nhật Bản với Bắc Triều Tiên, cũng như các nước lân bang châu Á khác đã khiến Nhật phải bẻ cong Điều 9 để "cho phép diễn dịch ngày càng rộng" hiến pháp với hy vọng sẽ được Mỹ hỗ trợ trong các mối quan hệ này.[33]

Vào tháng 5 năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Shinzō Abe đã kỷ niệm 60 năm Hiến pháp Nhật Bản bằng cách kêu gọi một sự "xem xét toàn diện" văn bản này để Nhật Bản có thể đóng vai trò cao hơn trong an ninh toàn cầu và phục hồi sự tự hào quốc gia.[34] Ngoài Đảng Dân chủ Tự do của Abe, vào năm 2012, Đảng Duy Tân Nhật Bản, Quốc dân Tân Đảng, và Đảng của Các Bạn ủng hộ sửa đổi hiến pháp để giảm bớt hoặc hủy bỏ các hạn chế của Điều 9.[35]

Một cuộc tu chính hiến pháp cần phải được hai phần ba quốc hội thông qua và phải thông qua một cuộc trưng cầu dân ý thì mới có hiệu lực (theo Điều 96 Hiến pháp Nhật Bản). Mặc dù Đảng Dân chủ Tự do nhiều lần cố gắng thay đổi Điều 9, họ chưa bao giờ đạt được số ghế đại đa số cần thiết, vì sự phản đối của một số đảng phái khác, trong đó có Đảng Dân chủĐảng Cộng sản Nhật Bản.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Điều_9_Hiến_pháp_Nhật_Bản http://servat.unibe.ch/icl/it00000_.html http://www.chinadaily.com.cn/cndy/2012-11/29/conte... http://helenair.com/news/world/asia/how-japan-can-... http://www.iht.com/articles/2007/05/03/news/japan.... http://asia.nikkei.com/Politics-Economy/Policy-Pol... http://www.stripes.com/news/pacific/japan-enacts-m... http://thediplomat.com/2017/05/abes-new-vision-for... http://www.law.upenn.edu/lrev/Issues/vol151/Issue4... http://www.japantimes.co.jp/news/2017/05/03/nation... http://www.japantimes.co.jp/opinion/2014/06/27/com...